Sử - Địa - GDCD
00:08 NGÀY 17/08/2015
NHỮNG HÌNH THÁI HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG LỊCH SỬ
Trong lịch sử nhân loại, hôn nhân và gia đình đã trải qua nhiều hình thái khác nhau, gắn liền với từng giai đoạn phát triển của xã hội. Vậy, trong mỗi hình thái hôn nhân và gia đình có những đặc điểm gì ? Và giữa các hình thái có điểm gì khác nhau ?

 I. Những hình thái hôn nhân và gia đình đầu tiên dưới chế độ thị tộc :

Giai đoạn đầu, loài người sống từng bầy đàn, dựa vào săn bắn và hái lượm, chưa có phân công lao động, quan hệ tính giao còn tự do mà lịch sử gọi là quần hôn. Đây là thời kỳ của chế độ thị tộc, thời kỳ này, theo các sử gia xác định, có thể đã kéo dài hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu năm.

 Chế độ quần hôn được thể hiện ở các hình thái gia đình như sau :

 1/- Kiểu gia đình huyết tộc :

 Đây là giai đoạn đầu của chế độ quần hôn, chủ yếu có các đặc điểm như sau :

Quan hệ hôn nhân được xây dựng theo các thế hệ, mỗi thế hệ (như thế hệ cha mẹ, thế hệ con cái) tập trung theo những nhóm hôn nhân nhất định. Và quan hệ tính giao chỉ hạn chế giữa những người trong nhóm đó khi xét thấy khác thế hệ, tức là quan hệ tính giao theo trực hệ bị loại trừ (cấm giữa cha mẹ và con cái).

 2/- Gia đình Puna luan :

 Đây là giai đoạn cao hơn của chế độ quần hôn. Quan hệ tính giao bị thu hẹp hơn nữa, không còn theo trực hệ (cha mẹ với các con), nhưng vẫn còn theo bàng hệ (giữa anh chị em với nhau).

Vợ chồng trong gia đình Puna luan không chung sống mà chỉ là “Người bạn thân thiết” (theo tiếng người da đỏ châu Mỹ). Các ông chồng không ở chung với các bà vợ, ai ở nhà nấy (sống với mẹ mình), trẻ con sinh ra chỉ biết mẹ, không biết tới cha. Khi một phụ nữ chết thì tài sản để lại cho các con sinh ra bởi người mẹ đó và các anh em trai cùng các chị em gái thừa kế. Đây là loại gia đình tộc cùng có chung một bà mẹ, tất cả những người của các thế hệ trong gia đình này hợp lại thành cái mà chúng ta gọi là Thị tộc.

 3/- Kiểu hôn nhân gia đình đối ngẫu : (theo cặp)

 Do ý thức xã hội của con người về hôn nhân phát triển, từ hình thức hôn nhân Puna luan, các cặp vợ chồng tách ra thành từng đôi riêng rẻ, hình thành một hình thức hôn nhân mới : hôn nhân cặp đôi hay còn gọi là hôn nhân đối ngẫu.

Công lao trong việc tạo ra hình thức hôn nhân này thuộc về phụ nữ, do họ có nhu cầu cần sự gắn bó cao hơn so với đàn ông, tức là người phụ nữ thời đó nhận thấy muốn được thuộc về chỉ một người đàn ông thôi.

Tuy vậy, hôn nhân đối ngẫu trong điều kiện chế độ thị tộc không thể bền vững được, nó rất dễ bị người vợ hoặc người chồng phá vỡ do không có cơ sở pháp lý và những cơ sở tình cảm ràng buộc chặt. Con cái do hôn nhân đó sinh ra vẫn thuộc về thị tộc mẹ như trước. Sở dĩ như vậy là do gia đình đó vẫn bị phụ thuộc kinh tế vào đại gia đình là thị tộc. Gia đình đối ngẫu vẫn chưa phải là một đơn vị kinh tế. Nó chỉ là một đơn vị hôn phối, một cặp hôn nhân trong thị tộc. Còn thị tộc vẫn là một đơn vị kinh tế cơ bản của xã hội đó.

  II. Hôn nhân một vợ một chồng và các biến dạng trong thực tế :

 1/- Những điều kiện kinh tế xã hội của hôn nhân một vợ một chồng :

Hôn nhân một vợ một chồng là hình thức hôn nhân cao hơn, mới hơn và bền vững hơn hôn nhân đối ngẫu, nó phát sinh trong xã hội khi có được những điều kiện kinh tế xã hội cần thiết.

Về lao động, mức độ phân công lao động và chuyên môn hóa cao, làm cho năng suất lao động phát triển tới mức có của cải dư thừa, kinh tế gia đình xuất hiện bên cạnh các hình thức kinh tế khác. Gia đình đối ngẫu chiếm lấy những của cải dư thừa đó để riêng cho mình.

Với việc chiếm giữ tài sản làm của riêng, gia đình đối ngẫu dần dần đối lập với thị tộc, trở thành đơn vị kinh tế độc lập - gia đình một vợ một chồng ra đời.

Trong gia đình này, người chồng bắt đầu nắm vị trí thống trị, vợ và các con của họ ở vào thế “bị trị” và thực tế họ là tài sản của người chồng. Có được vị trí đó là do lúc này người chồng làm những nghề nghiệp đưa lại hiệu suất và thu nhập cao hơn như : chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công, săn bắn, . . . còn người vợ chỉ làm những công việc nội trợ, nuôi con trong nhà, không làm ra của cải vật chất cho gia đình nên bị phụ thuộc.

Chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã cho phép xác định được người cha đẻ của các con trong gia đình mà trong các hình thức hôn nhân trước đó chưa xác định được. Người chồng nảy ra xu hướng lợi dụng địa vị vững vàng hơn ấy để thay đổi trật tự thừa kế cổ truyền đặng làm lợi cho con cháu mình. . . Vì vậy, cần xóa bỏ chế độ huyết tộc theo mẫu quyền đi đã . . . huyết tộc theo cha và quyền thừa kế theo cha được xác lập. (F.Engels)

Giai đoạn này thị tộc bắt đầu tan rã trước tư tưởng tư hữu đang phát triển, thị tộc phải nhường chỗ cho gia đình cá thể ( gia đình một vợ một chồng)

Chế độ thị tộc không giai cấp với sự xuất hiện của gia đình một vợ một chồng đã chuyển sang chế độ tư hữu và có giai cấp. Cuộc cách mạng này đã xảy ra ngay từ trong gia đình.

 2/- Hôn nhân một vợ một chồng trong các chế độ xã hội :

a/- Trong chế độ chiếm hữu nô lệ :

Ỏ xã hội này, chế độ một vợ một chồng bắt đầu mang tính giả tạo, đối với chủ nô và nó chỉ tuân thủ đối với đàn bà. Sự hiện diện của các nô lệ gái đã thuộc về người chủ nô cả về thể xác lẫn tâm hồn thì người vợ của các chủ nô cũng chỉ còn là một nô lệ, một công cụ giải trí và sinh đẻ đơn thuần mà thôi.

Thực tế lịch sử hình thành Nhà nước La Mã đã chứng minh rằng khi xã hội này hình thành các cơ quan Nhà nước thì xã hội cũng bắt đầu xuất hiện chế độ gia trưởng trong gia đình và được luật pháp bảo vệ.

b/- Trong chế độ phong kiến :

Xuất phát từ sự tôn thờ và duy trì chế độ đẳng cấp, trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến mà chế độ một vợ một chồng bị biến dạng : Xã hội hà khắc với phụ nữ (chỉ có một chồng) còn đàn ông được luật pháp cho phép có nhiều vợ (đa thê), điển hình là phong kiến phương Đông (Việt Nam, Trung Quốc và các nước theo đạo Hồi).

Nhưng thực tế lịch sử thế giới đã chứng minh rằng dù ở phương Đông hay phương Tây thì hôn nhân và gia đình xây dựng trên nền tảng đạo đức phong kiến đều là trọng nam khinh nữ, bảo vệ quyền gia trưởng của đàn ông, hôn nhân theo đẳng cấp ( đòi hỏi phải môn đăng hộ đối), bảo vệ và duy trì tông tộc phong kiến.

c/- Trong chế độ tư bản chủ nghĩa :

Trong xã hội TBCN, về hình thức, thì nhà nước tư sản duy trì chế độ một vợ một chồng, tức là hôn nhân một vợ một chồng trên nền tảng luật pháp, còn trong thực tế vẫn tồn tại đầy rẫy sự phóng túng của đàn ông và đàn bà về quan hệ tình dục (ngoại tình). Xã hội tư bản vẫn tìm mọi cách để duy trì chế độ tư hữu tư sản.

Trong bất kỳ nhà nước tư sản nào trên thế giới, dù ý thức xã hội có biến đổi đến mức nào, thì từ xưa đến nay các quan hệ hôn nhân gia đình trong xã hội vẫn luôn luôn được xây dựng trên sự tính toán về kinh tế và các quan hệ hôn nhân đó vẫn nhuốm đầy màu sắc tiền bạc và tài sản.

d/- Trong chế độ Xã hội chủ nghĩa :

Dưới CNXH, Nhà nước tạo những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và luật pháp để thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Vì đây là mục tiêu quan trọng của cách mạng XHCN.

Trong Nhà nước XHCN, vị trí của người phụ nữ được tôn trọng, họ có những quyền ngang với nam giới, không còn ở địa vị phụ thuộc, nên trong quan hệ hôn nhân, họ được tự do để quyết định, không ai có quyền ép buộc, kể cả cha mẹ, ông bà.

Trong xã hội XHCN, hôn nhân và gia đình đã trở thành mối quan tâm của xã hội. Nhà nước dùng luật pháp điều chỉnh các quan hệ về hôn nhân phát triển theo hướng phù hợp với lợi ích của mọi công dân, Nhà nước sử dụng luật hôn nhân và gia đình như một phương tiện để xây dựng các quan hệ xã hội mới, nền văn hóa mới và con người mới phù hợp với bản chất xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1/- Tìm hiểu các quy định pháp luật về Hôn nhân và gia đình (Nguyễn Quốc Tuấn, NXB Tp.Hồ Chí Minh – 1994)

2/- Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình (Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – NXB Pháp lý - 1999)

3/- Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình của Trường Đại học Luật Hà Nôi – 2003

                                                                                                                      

Bài viết cùng chủ đề