Giới thiệu
11:08 NGÀY 10/08/2015
Tóm tắt lịch sử Trường THPT Nguyễn Trung Trực
  Tóm tắt lịch sử Trường THPT Nguyễn Trung Trực
 
 
Nhiều năm qua, biết bao người khi nói về ngôi trường Nguyễn Trung Trực đều bắt đầu bằng :” Trường của mình…”. Chỉ mấy tiếng đơn giản đó thôi cũng đủ nói lên tình cảm rất gần gũi, thân thương. Sáu mươi năm, trường Nguyễn Trung Trực đã là mái ấm của các thế hệ học sinh, đã đào tạo cho đất Kiên Giang biết bao con người có văn hóa, có tri thức, góp phần xây dựng xã hội văn minh hạnh phúc.
 

           Từ ngày thành lập đến nay, trường Nguyễn Trung Trực đã qua biết bao thăng trầm biến đổi với các giai đoạn lịch sử sau đây:

      1. Giai đoạn từ 1951 đến 1975:

1.1. Giai đoạn từ 1951 đến 1964:

- Đến năm 1951, Tỉnh Kiên Giang vẫn chưa có trường trung học. Nhận thấy đây là một trở ngại lớn cho việc học hành của học sinh, một số vị nhân sĩ lúc bấy giờ đã đứng ra vận động thành lập trường trung học cho tỉnh nhà. Đó là:

- Ông Huỳnh Văn Yến

- Ông Trần Thanh Vân

- Ông Nguyễn Văn Điền

- Ông Trịnh Văn Phú

- Ông Giang Minh Xinh

- Kết quả là vào tháng 10 năm 1951, trường được phép thành lập và đi vào hoạt động với tên “Collège de Rạch Giá” gồm hai lớp đệ thất có 90 học sinh (63 nam và 27 nữ), dạy tại hai phòng học mượn của Trường Nam tiểu học Tỉnh lỵ (nay là Trường trung học cơ sở Hùng Vương thị xã Rạch Giá), giảng dạy đầu tiên bằng tiếng Pháp. Vị hiệu trưởng đầu tiên là thầy Trịnh Văn Phú.

- Đến niên khóa 1952 – 1953, trường mở thêm hai lớp đệ lục, nhưng phải trả lương cho giáo sư nên có thu học phí. Tháng 7 năm 1953, trường tổ chức phát hành vé số Tombola để lấy tiền và bắt đầu xây dựng một dãy sáu phòng học đầu tiên nằm trong phạm vi của 3 con đường: Hoàng Diệu, Kiều Công Thiện, Nguyễn Hùng Sơn, có mặt tiền nằm trên đường Hoàng Diệu nhìn ra biển (nay là ). Cũng trong năm học này trường được đổi tên thành Trường trung học Rạch Giá và bắt đầu dạy tiếng Việt.

- Năm 1951, được tỉnh trợ cấp ngân quỹ, trường tiến hành xây cất thêm một dãy lớp, xây thêm phòng hiệu trưởng, phòng thí nghiệm và phòng họp. Đến năm 1955, trường được đổi tên thành Trường trung học Nguyễn Trung Trực.

- Đến năm 1957, trường được công lập hóa, ngưng thu học phí và lúc này có thêm các lớp đệ nhị cấp (đệ tam, đệ nhị, đệ nhất).

         1.2. Giai đoạn từ 1965 đến 1975:

         Đầu niên khóa 1955 – 1956, trường được dời sang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Niên khóa 1967 – 1968 đổi tên thành Trường trung học tổng hợp Nguyễn Trung Trực và dạy thêm các môn công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, doanh thương và canh nông.

* Các vị hiệu trưởng từ 1951 đến 1975:

- Thầy Trịnh Văn Phú (29/10/1951 đến 31/5/1958)

- Thầy Trần Thanh Vân (3/6/1958 đến 15/8/1963)

- Thầy Trần Ngọc Thái (16/8/1963 đến 10/12/1963)

- Thầy Hồ Văn Thủy (11/12/1963 đến 11/10/1970)

- Thầy Lê Anh Kiệt (2/10/1970 đến 29/9/1971)

- Thầy Trần Cảnh Thương (30/9 1971 đến 20/5/1973)

- Thầy Trần Phát Vĩnh (21/5/1973 đến 16/10/1973)

- Thầy Huỳnh Ngọc Thọ (17/10/1973 đến 30/4/1975)

      2. Giai đoạn từ 1975 đến nay:

         Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), ban quân quản tỉnh Kiên Giang đã nhanh chóng tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường và vận động kêu gọi giáo viên trở lại tiếp tục giảng dạy. Ban quân quản còn tổ chức các buổi gặp mặt hội thảo về đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, tổ chức cho giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động xã hội như dọn sạch đường phố, truy quét văn hóa phẩm đồi trụy phản động, đổi tiền, xóa mù chữ và mở các lớp bổ túc văn hóa ban đêm tại trường (tiền thân của Trường Bổ túc trung học tỉnh hiện nay).

         Từ năm 1975 – 1976, trường đổi tên thành Trường phổ thông cấp III Nguyễn Trung Trực, ban điều hành được thành lập do thầy Nguyễn Đình Ngọc làm trưởng ban.

          Từ năm 1979 – 1980, trường thực hiện chương trình thống nhất ở tất cả các lớp, sự phân chia các lớp căn cứ theo ngoại ngữ: Anh văn, Pháp văn và Nga văn.

           Từ năm học 1991 – 1992 trường chỉ dạy hai ngoại ngữ: Anh văn (Hệ 3 năm và 7 năm) và Pháp văn.. Cho đến năm học 1994 – 1995, trường đổi tên thành Trường trung học phân ban Nguyễn Trung Trực, thực hiện chương trình phân ban A, B, C. Đến năm học 2000 – 2001, trường đổi tên thành Trường trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, thực hiện chương trình giáo dục không phân ban.

           Hiện nay nhà trường có tất cả 115 cán bộ, giáo viên và công nhân viên, có 2580 học sinh chia làm 48 lớp (khối 10 có 15 lớp, khối 11 có 17 lớp, khối 12 có 16 lớp), dạy tiếng Pháp cho các lớp ban xã hội, dạy môn tin học bắt buộc cho các khối,

* Ban Giám hiệu từ năm 1975 đến nay:

- Từ tháng 5/1975 đến 10/1975, Ban điều hành : Thầy Nguyễn Đình Ngọc (trưởng ban), cô Phạm Ngọc Dung, cô Nguyễn Thị Bich Vân.

- Từ tháng 10/1975 đến 1978, Ban giám hiệu: Đỗ Văn Mãn (HT), thầy Nguyễn Văn Đốc(PHT), thầy Phạm Văn Cường (PHT).

- Từ 1978 đến 1980, Ban giám hiệu: Cô Dương Thu Hằng (HT), cô Nguyễn Thị Điệp(PHT), thầy Trần Ngọc Kiểm (PHT).

- Từ 1980 đến 1988, Ban giám hiệu: Thầy Trần Ngọc Kiểm (HT), thầy Vũ Đức Nhâm(PHT), thầy Trần Văn Quý (PHT), thầy Phạm Dưỡng (PHT).

- Từ 1988 đến 1993, Ban giám hiệu: Thầy Phùng Văn Thảnh (HT), thầy Trịnh Long Tuyền (PHT), thầy Dương Tôn Hưng (PHT).

- Từ 1993 – 1995 Ban giám hiệu: Thầy Nguyễn Văn Hồng (HT), thầy Lý Minh Nguyên(PHT), thầy Nguyễn Hoàng Tuấn (PHT).

- Từ 1995 đến 1997, Cô Đỗ Thị Cẩm Vân (HT), thầy Lý Minh Nguyên (PHT), thầyNguyễn Hoàng Tuấn (PHT).

- Từ 1997 đến 2001, cô Đỗ Thị Cẩm Vân (HT), thầy Lý Minh Nguyên (PHT), cô  Lê Thúy Phượng (PHT).

- Từ 2001 đến 2008, thầy Nguyễn Văn Tuấn (HT), thầy Lý Minh Nguyên (PHT), cô  Lê Thúy Phượng (PHT).

- Từ 2009 đến nay, thầy Trương Bá Viện (HT), thầy Nguyễn Xuân Phượng (PHT), cô Lê Thúy Phượng (PHT), cô Dương Phương Hồng (PHT)

Trong suốt thời gian từ 1951 đến nay, trường Nguyễn Trung Trực có nhiều đổi thay trong các giai đoạn lịch sử về mặt nhân sự, cơ sở vật chất. Từ lúc mượn 2 phòng học rồi xây dựng 6 phòng học, đến nay trường đã có thêm ba dãy phòng học 3 tầng, nhà đa năng, sân thể dục thể thao ….nhưng tên trường vẫn gắn liền với tên vị anh hùng Nguyễn Trung Trực. Đó chính là niềm tự hào của quý thầy cô, của bao thế hệ học sinh từng gắn bó với ngôi trường này./.