Thông báo mới
00:08 NGÀY 17/08/2015
Nô nức về dự lễ hội Nguyễn Trung Trực
TT - Tối 23-9, lễ hội kỷ niệm 143 năm (1868-2011) ngày hi sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã khai mạc tại công viên Lạc Hồng - Bãi Dương (khu lấn biển, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

TT - Tối 23-9, lễ hội kỷ niệm 143 năm (1868-2011) ngày hi sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã khai mạc tại công viên Lạc Hồng - Bãi Dương (khu lấn biển, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

Lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực năm nay đã thu hút hàng trăm ngàn người khắp nơi về dự...

>> Lễ hội kỷ niệm 143 năm ngày anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hi sinh
>> Khai mạc lễ hội Nguyễn Trung Trực

Đưa phiên bản chiến hạm Espérance phục vụ lễ hội

Ngay từ sáng sớm 23-9, hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về đình Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá, Kiên Giang) để dự lễ. Các tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Mạc Đĩnh Chi, Lý Thường Kiệt... dẫn vào đình tấp nập người đi lại.

Có mặt trong dòng người về dự lễ, chị Nguyễn Phương Thảo (quê ở Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Đây là năm thứ tám liên tiếp tôi về dự lễ giỗ cụ Nguyễn. Hằng năm cứ tới ngày này tôi thường gói bánh, hái trái cây đem qua làm lễ giỗ cụ”.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực thể hiện tính cộng đồng rất cao, nhiều người đi dự lễ đã tự nguyện góp công, góp sức để lễ giỗ cụ Nguyễn được tươm tất, chu đáo.

 Theo ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực, lễ giỗ cụ Nguyễn năm nay các tổ chức xã hội, mạnh thường quân ủng hộ 700m3 củi, 300 bao trấu, 7 tấn đậu nành, 80 tấn gạo, 250 tấn rau củ quả các loại... để phục vụ lễ hội. Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực đã bố trí khoảng 4.000 người làm công quả đủ sức phục vụ 800 mâm mỗi ngày để tiếp đãi các đoàn khách mời và khách thập phương về dự trong suốt thời gian diễn ra lễ giỗ cụ Nguyễn.

Theo ông Lê Minh Hoàng - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, lễ hội kỷ niệm 143 năm ngày hi sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm nay được tổ chức rất chu đáo, quy mô và chuyên nghiệp hơn so với mọi năm. Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, trang trọng.

 Ông Hoàng cũng cho biết lễ hội năm nay có nhiều nét mới: chương trình sân khấu hóa bố cục theo các chủ đề và phác họa rõ nét cuộc đời, sự hi sinh của cụ Nguyễn và đoàn nghĩa quân - những người con bất tử của vùng đất Kiên Giang, đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, tinh thần bất khuất, hiên ngang chống giặc ngoại xâm...

Cũng theo ông Hoàng, năm nay đoàn làm phim về “Anh hùng Nguyễn Trung Trực” đã đưa phiên bản chiến hạm Espérance (Hi vọng) về đậu ở bến sông trước đình Nguyễn Trung Trực để phục vụ người dân tham quan vào dịp giỗ cụ.

Việc đưa phiên bản chiến hạm Espérance vào phục vụ lễ hội đã thu hút rất nhiều người đến tham quan để tận mắt chứng kiến “nhân chứng sống” mà cụ Nguyễn đánh chìm trên sông Nhật Tảo. 

Hàng trăm ngàn người về dự lễ

Theo ban tổ chức lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội năm nay thu hút khoảng 800.000 người về dự. Do số lượng người về dự lễ đông nên đã có không ít dịch vụ khách sạn, nhà hàng, điểm giữ xe... tự động nâng giá.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các bãi giữ xe ở đường Bạch Đằng (gần đình Nguyễn Trung Trực) hầu hết không niêm yết giá. Khi chúng tôi vào gửi thì bị thu mỗi xe gắn máy 5.000 đồng, trong khi đó giá quy định chỉ 2.000 đồng/xe.

Ngoài ra, một số kẻ xấu lợi dụng người dân về dự lễ hội đông đã móc túi, giật vòng vàng nữ trang của người đi dự lễ. Thượng tá Phạm Chánh Cừ - phó Công an TP Rạch Giá - cho biết công an đã tiếp nhận hai trường hợp bị giật dây chuyền khi đi dự lễ hội.

Theo thượng tá Cừ, lực lượng công an, quân sự từ tỉnh đến phường có hơn 200 người được bố trí tại các khu vực trọng điểm và tăng cường hệ thống camera để theo dõi, giám sát tình hình an ninh trật tự. Ngoài ra, ban tổ chức cũng bố trí lực lượng CSGT đóng tại các chốt, tuần tra lưu động trên một số tuyến đường chính ở TP Rạch Giá... để kiểm soát tình hình giao thông, không để xảy ra tình trạng kẹt xe. “Với lực lượng này chúng tôi hi vọng sẽ đảm bảo tốt an ninh trật tự trong suốt các ngày diễn ra lễ hội”- thượng tá Cừ nói.

TẤN THÁI

Bài viết cùng chủ đề