Thuyết trình cho học sinh phổ thông
Theo nhiều nghiên cứu, việc cho học sinh tìm hiểu các vấn đề rồi thuyết trình và “dạy” lại cho các học sinh khác là một phương pháp hiệu quả. Từ kết quả của các nghiên cứu của Martin (được nhắc đến trong tài liệu của Grzega, 2005), học sinh thường trao đổi, tương tác và tiếp thu tốt hơn khi được nói và phát biểu về chủ đề trong lớp, thay vì buộc phải ngồi nghe giáo viên giảng bài. Phương pháp này tỏ rõ hiệu quả khi Martin giao cho các học sinh phải chuẩn bị và thuyết trình về các vấn đề trong bài giảng, thay cho việc tự giảng các bài này.
Mafa (n.d.) phát hiện ra rằng tuy phương thức này tiêu tốn khá nhiều thời gian để chuẩn bị, nhất là đối với học sinh, nó cũng khiến cho học sinh cảm thấy bản thân có thể gia tăng kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự học và gây hứng thú lớn hơn nhiều so với phương pháp dạy truyền thống. Tuy vậy, nếu giáo viên không hướng dẫn sâu sát, thuyết trình trên lớp có thể dẫn đến lạc đề và đôi lúc gây mất đoàn kết nội bộ giữa các học sinh bất đồng quan điểm.
Như vậy, phương pháp dạy học bằng cách thuyết trình sẽ giúp học sinh bổ khuyết cho các điểm yếu trong giao tiếp (một yếu tố cực kì quan trọng trong tương lai của từng người), nâng cao kĩ năng tự học (là điều mà mọi giáo viên luôn hướng đến) và tạo nên động lực thúc đẩy học sinh học tập. Với sự quan tâm và theo sát hướng dẫn từ giáo viên, phương pháp học bằng cách thuyết trình sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả học tập, tăng cường sự hiện diện của học sinh ở trung tâm lớp học như phương châm lấy người học làm trung tâm của ngành giáo dục hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
Grzega, J. (2005). Learning by Teaching: The Didactic Model LdL in University Classes. Retrieved from Lernen durch Lehren: http://www.ldl.de/material/berichte/uni/ldl-engl.pdf
Mafa, M. (n.d.). Investigating Learning by Teaching and Learning by Assessment. Retrieved from Learn Lab: http://www.learnlab.org/opportunities/workshop/posters/Mafa_Assessment.pdf
Người gởi bài: Trương Thị Thu Nga (sưu tầm)