Bộ môn Địa lí là môn nằm giữa kiến thức khoa học xã hội và kiến thức khoa học tự nhiên, đòi hỏi ở các em phải có phương pháp học tập hợp lí, đặc biệt học theo hướng tư duy tích cực, logic, có hệ thống chứ không chỉ học thuộc lòng như ở một bộ phận lớn các em quan niệm đây là bộ môn học thuộc, mà đòi hỏi ở kĩ năng vận dụng kiến thức, biết cách làm bài tập… Vì vậy, việc chuẩn bị kiến thức, kĩ năng của bộ môn đã được các thầy cô giáo trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy và ôn tập; hướng dẫn phương pháp học tập, ôn luyện và làm bài thi.
Trong những năm gần đây, môn Địa lí liên tục là một trong những môn thi tốt nghiệp có điểm thuộc nhóm thấp, nguyên nhân:
- Đề ra có tỉ lệ vận dụng, khai thác Atlat và làm bài tập nhiều, phần kiến thức thuộc bài không nhiều. trong khi học sinh học bài theo lối thụ động, thuộc lòng, ít kĩ năng khai thác atlat và làm bài tập, cho nên:
- Học sinh có kĩ năng làm bài kém.
- Kĩ năng tư duy, vận dụng kiến thức hạn chế.
- Hạn chế trong kĩ năng sử dụng Atlat địa lí, kĩ năng làm bài tập.
- Xác định đề chưa kĩ, lạc đề, nhầm đề…
- Kỹ năng trình bày kém, mang tính liệt kê…
Năm nay, theo hướng dẫn của Bộ GD& ĐT đề thi vẫn cơ bản giống như năm trước nhưng tăng cường tính chất “mở”, nghĩa là câu hỏi ở dạng vận dụng, thông hiểu, kiểm tra kĩ năng thực hành (đọc Atlat, xử lý, phân tích số liệu, vẽ biểu đồ…).
Vì vậy, để chuẩn bị tâm thế, vốn kiến thức, kĩ năng làm bài thi đạt kết quả cao trong kì thi tới. Trên cương vị là giáo viên trực tiếp đứng lớp, tham gia giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp lớp 12. Chúng tôi xin chia sẻ một vài điểm cần lưu ý tới các em khi đi làm bài thi như sau:
1. Nội dung thi:
* Cấu trúc đề thi: (theo hướng dẫn đã được ôn tập).
Phần chung (bắt buộc - 8 điểm) Gồm 3 câu:
- Câu I: Địa lí tự nhiên và địa lí dân cư
- Câu II: Cơ cấu kinh tế và địa lí các ngành kinh tế
- Câu III: Vùng kinh tế và địa lí địa phương
Phần riêng (tự chọn): 2 điểm
- Câu IV.a (Chuẩn): Nội dung trong chương trình chuẩn.
- Câu IV.b (Nâng cao): Nội dung trong chương trình nâng cao (thường gồm các bài có trong chương trình nâng cao mà không có trong chương trình chuẩn)
Lưu ý:
- Về lý thuyết:
+ Không được học lệch, tủ, phải chuẩn bị kiến thức trong toàn bộ chương trình học.
+ Nội dung kinh tế biển đảo cũng có nhiều ý nghĩa và tầm quan trọng, đặc biệt trong nền kinh tế mở hiện nay (các em cũng cần lưu ý về kinh tế biển đảo: ý nghĩa của khai thác thế mạnh kinh tế biển đảo, các bộ phận biển đảo của nước ta,… Ngoài ra kinh tế biển cũng là nguồn lực quan trọng của các vùng kinh tế nước ta 6/7 vùng trừ Tây nguyên là không có kinh tế biển)
- Về kĩ năng: Phải sử dụng triệt để Atlat địa lí, biết vẽ các dạng biểu đồ theo yêu cầu, xử lý số liệu và phân tích số liệu.
2. Cách xác định đề:
- Xác định đúng địa chỉ nội dung cần trả lời.
- Xác định đúng phạm vi kiến thức theo yêu cầu của câu hỏi.
- Ước lượng được kiến thức cần trả lời.
Bước 1: Đọc đề, gạch vào các từ cần lưu ý trong một câu hỏi, tránh lạc đề, nhầm đề hoặc giới hạn cần trả lời.
Bước 2: Dựa vào điểm của từng câu, lập dàn ý trả lời ngắn gọn (có thể xác định cần mấy gạch đầu dòng)
3. Cách trình bày:
Lý thuyết:
- Trình rõ ràng, mạch lạc, không dài dòng, xúc tích, đủ ý, có dẫn chứng.
- Không trình bày lan man như một bài văn, gạch từng ý .
Câu hỏi so sánh: (thường so sánh 2-3 đối tượng với nhau)
+ Những điểm giống nhau: những điểm chung nhất
+ Những điểm khác: những đặc điểm chi tiết của từng đối tượng có sự đối chiếu giữa các đối tượng được so sánh.
Câu hỏi chứng minh:
+ Đưa ra các tiêu chí (có số liệu dẫn chứng)
Câu hỏi giải thích:
+ Đưa các tiêu chí (có dẫn chứng, lập luận)
Câu hỏi phân tích:
+ Trình bày các tiêu chí của đối tượng (đưa dẫn chứng minh họa)
Bài tập:
* Vẽ biểu đồ: Đủ tên, chú giải các nội dung khác (số liệu, kí hiệu), chính xác, khoa học, sạch sẽ.
* Xử lí số liệu: thiết lập công thức, điền kết quả bằng bảng (có tên cho bảng số liệu và đơn vị tương ứng sau khi xử lí)
* Nhận xét: Căn cứ vào bảng số liệu hoặc biểu đồ để nhận xét, không được thống kê số liệu mà phải xử lí để minh họa bàng con số.
* Giải thích: nên dựa vào các yếu tố nguồn lực (điều kiện tác động đến sự phát triển của các đối tượng để giải thích)
VD: Giải thích sự gia tăng của sản lượng lương thực (ĐKPT: Điều kiện tự nhiên…; kinh tế xã hội: Thị trường, nhân lực, chính sách…)
* Khai thác Átlat: chú ý câu hỏi đề cập đến nội dung gì thì xác định trang Atlat cần dùng (đọc kĩ hết các thông tin có trên trang Atlat: chú giải, bản đồ..); Vận dụng các trang át lát có liên quan.
+ Trên các trang Atlát đã có phần hiện trạng các đối tượng địa lí kinh tế, xã hội, tự nhiên (thể hiện bằng con số, biểu đồ, chú giải, sự phân bố…). các em cần lưu ý Atlat có rất nhiều thông tin gợi ý về các đối tượng , cần sử dụng triệt để.
Thời gian:
- Bài thi làm trong 90 phút với 4 câu hỏi (3 câu phần bắt buộc và 1 câu phần riêng)
- Chú ý phân chia thời gian từng câu hỏi cho phù hợp. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Không tập trung quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.
Chuẩn bị:
- Mang đủ dụng cụ học tập : thước kẻ, bút viết, compa, máy tính.
- Átlát địa lí Việt nam, không được thiếu, dùng cuốn xuất bản từ năm 2009 đến nay do Nhà xuất bản Giao dục ban hành.
Giáo viên biên soạn: Phan Thị Thu Anh