KIẾM BẠC HAY KIẾM BẠT?
Hai mươi lăm năm trước, phiêu du về đất Kiên Giang, ngồi trên chuyến xe đò “bão táp” tôi lẩm nhẩm hai câu thơ nổi tiếng của Cụ Huỳnh Mẫn Đạt:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần
Đây chính là kiến thức lịch sử mà tôi nhớ được, từ hồi tiểu học, về anh hùng Nguyễn Trung Trực. Hành trình khó nhọc nhưng lúc ấy lòng tôi vẫn đầy tự hào về quê hương thứ hai của mình.
Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập niên 1990, xuất hiện một số bài báo của các bậc trí giả tranh luận sôi nổi; và ít lâu sau, các nơi thờ Cụ Nguyễn đều đồng loạt đổi thành:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Lòng thấy buồn man mác, vì dù chỉ thay đổi một “chút nhỏ” ở hai từ, cảm nhận cái đẹp của tôi đã mất đi khá nhiều. Với vốn liếng chữ Hán chẳng có bao nhiêu, cộng thêm những lo toan cuộc sống, tôi đã “ngủ quên”.
Thế rồi, cách đây (8-2012) chừng hơn một tháng khi đang ngồi gà gật đợi tàu đi Phú Quốc, hai cô cậu thanh niên nước ngoài đã “đánh thức” tôi dậy. “Bác có nói tiếng Anh không?” – “Tí chút”. Thế là cậu chàng đẹp trai đưa cái I-pad đến trước mặt tôi để nhờ giải thích. Tôi tá hỏa! Ảnh cái cổng chào tại đền Cụ Nguyễn, trên có hai câu thơ đầy hào khí ấy. Đành liều một phen vậy, vì niềm tự hào của quê nhà. Lúc ấy tôi đã dịch theo tinh thần “bạt/khấp”:
The flames burning on the river of Nhật Tảo cause the earth to quake
The swords drawn at the barrack of Kiên Giang make the devils weep
Lửa cháy trên sông Nhật Tảo khiến trời đất rung chuyển
Kiếm tuốt ở đồn Kiên Giang làm quỷ thần rơi lệ.
Hai em thanh niên cảm ơn, lên tàu. Tôi hoàn thành nhiệm vụ, không thấy thỏa mãn. Mấy hôm sau trở về Rạch Giá, tôi muốn tìm hiểu thêm cho rõ ngọn ngành.Tôi gõ Google:
"kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần"àKhoảng 2.250 kết quả (0,28 giây)
"kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"àKhoảng 20.500 kết quả (0,21 giây).
Trời đất! Ý kiến tôi ủng hộ chỉ có 1/10! Trên internet, chủ yếu các bậc trí giả không chấp nhận “bạc/khốc” vì:
1. ‘bạc’ không phải là chữ Hán;
2. ‘bạc’ là tính từ nên không đối được động từ ‘hồng’ (cháy đỏ), có lẽ họ hiểu ‘thanh kiếm bằng bạc’;
3. ‘bạt’ là động từ có nghĩa ‘tuốt’, ‘chém’, ‘đánh bật’… và đối được với ‘hồng’;
4. Không chấp nhận ‘khốc’ vì có sẵn thành ngữ ‘kinh thiên địa, khấp quỷ thần’.
Tôi mở Hán Việt Từ Điển trích dẫn thì thấy như sau:
1. ‘Bạc’ ( 鉑), gồm chữ ‘kim’ kết hợp chữ ‘bạch’, chỉ một kim loại có màu trắng. Vậy là nó có dòng Hán đó chứ? Thế thì đẹp. Chữ Hán thay đổi từ loại theo vị trí và chức năng của nó trong câu, không biến đầu biến đuôi như các tiếng phương Tây. Vậy thì:
- ‘hồng’ có thể là ‘màu đỏ’, ‘có màu đỏ’, ‘đỏ rực’, ‘nhuộm/làm đỏ rực’;
- ‘bạc’ có thể là ‘(kim loại) bạc’, ‘màu bạc’, ‘có màu bạc’, ‘sáng lóa/làm bạc trắng’.
2. Còn cặp ‘khấp/khốc’ thì:
- ‘khấp’ (泣), gồm chữ ‘thủy’ kết hợp chữ ‘lập’, hiểu là ‘làm rơi lệ’ (khóc thầm);
- ‘khốc’ (哭), gồm 2 chữ ‘khẩu’ kết hợp chữ ‘khuyển’, mang nghĩa ‘gào khóc’ (như bầy chó tru vậy).
Rõ ràng qua các hiểu biết ấy tôi thấy được cái đẹp và hợp lí sau đây:
1. Các câu 3 và 4 (câu thực) trong thơ Đường luật phải đối nhau ‘chát chúa’ mới phải: ‘hồng’ đối ‘bạc’, vừa ‘động từ’ lại mang nét nghĩa ‘sáng’ và ‘màu sắc’; ‘oanh’ đối ‘khốc’ vừa ‘động từ’ lại mang nét nghĩa ‘rung’ và ‘âm thanh’. ‘Bạt’ không có màu sắc, lại dùng ở bị động thì đối không chuẩn với ‘hồng’; ‘khấp’ lặng lẽ thì làm sao thấy được cảnh bọn giặc Tây cùng tay sai gào khóc như chó?
2. Nếu ‘bạt’ mang nghĩa ‘chém’ hay ‘đánh bật/sang bằng’ thì không ổn. Ai lại ‘chém’ Kiên Giang chứ.
3. Tôi cảm nhận hai câu thơ này khi diễn xuôi như sau:
(Ánh sáng của) những ngọn lửa chiếu đỏ rực (sông) Nhật Tảo làm đất trời rung chuyển
(Ánh thép sáng lòa của) những thanh gươm làm bạc trắng (đồn) Kiên Giang khiến quỷ thần gào khóc.
Hãy tưởng tượng hình ảnh hàng trăm thanh gươm tuốt trần sáng lóa, giơ lên, làm bạc trắng cả một góc trời mới thấy được khí thế hào hùng của nghĩa quân.
Ước gì được gặp lại hai em thanh niên nước ngoài hôm nọ để nói rằng tôi cần dịch lại như sau:
The bright flames reddening Nhật Tảo cause the earth to quake
The shiny swords silvering Kiên Giang make the devils wail
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần.
Nguyễn Hưởng
(Bài đã đăng trên Từ điển học & Bách khoa thư, Số 6 - tháng 11 năm 2012)