Tin Giáo dục
15:09 NGÀY 18/09/2015
Đổi mới thi tốt nghiệp: Chỉ thi bốn hoặc năm môn

Đổi mới thi tốt nghiệp: Chỉ thi bốn hoặc năm môn

Thứ năm, 02/01/2014 - 07:50 PM (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (phải) và ông Mai Văn Trinh. Ảnh: Lê Hà

NDĐT - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hôm nay công bố dự thảo một số điều chỉnh về phương án thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Những thay đổi đáng chú ý là thay đổi về số môn thi, linh hoạt trong việc lựa chọn môn thi và mở rộng diện được miễn thi tốt nghiệp.

Hai phương án thi

Tại cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội chiều 2-1, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã công bố dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi và công nhận thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt”. Ông Mai Văn Trinh cho biết, qua đánh giá ưu, nhược điểm các kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT dự kiến tiến hành một số thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới (trước khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới).

Thay đổi thứ nhất là về số lượng môn thi. Theo đề xuất, có hai phương án được đưa ra. Phương án một, thí sinh sẽ thi bốn môn gồm hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Trong phương án này, thí sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến bài thi Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên cộng 1,5 điểm và đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Bộ GD-ĐT đánh giá, phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn.

Theo phương án hai, thí sinh sẽ thi năm môn gồm ba môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Hai môn còn lại thí sinh tự chọn giống như ở phương án một. Cách thứ hai được cho là sẽ bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ, nhưng lại làm số môn thi tăng lên và kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong hai phương án trên thì Bộ nghiêng về phương án một vì muốn nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020, trong đó đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết).

Mở rộng đối tượng miễn thi

Thay đổi quan trọng thứ hai là ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành, các thí sinh có kết quả học tập tốt cũng sẽ được miễn thi dựa trên các tiêu chí cơ bản: Kết quả học tập trong ba năm học THPT; Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.

Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở GD-ĐT tối đa là 20%. Trả lời thắc mắc của phóng viên về tỷ lệ 20% này, ông Hiển cho biết, theo kinh nghiệm những năm trước các em thi tốt nghiệp đạt khá giỏi là trên 20%. Đây có thể coi là nhóm tiên tiến và nếu có thi các em cũng sẽ đỗ. Việc miễn thi giảm áp lực cho các em không phải thi và khâu tổ chức cũng sẽ gọn nhẹ hơn, giảm 20% số phòng thi, đề thi... Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.

Việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh là một trong những yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT mong nhận được ý kiến đóng góp của dư luận cho các phương án đổi mới thi tốt nghiệp trên, kể cả thời gian đưa vào áp dụng. Nếu đạt được sự đồng tình thì các điều chỉnh này sẽ áp dụng ngay trong năm 2014.

(SƯU TẦM)

Bài viết cùng chủ đề