Công đoàn
21:11 NGÀY 18/11/2016
NGÀY 9 THÁNG 11 - NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
         NGÀY 9 THÁNG 11 - NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
           Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.
              Ngày 04 tháng 04 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó “Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (gọi tắt là “Ngày Pháp luật”) được tổ chức hằng năm vào ngày 09 tháng 11. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức “Ngày Pháp luật” của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức “Ngày Pháp luật”. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức “Ngày Pháp luật” cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
               Trước khi “Ngày Pháp luật” được cụ thể hóa trong luật, các hoạt động của “Ngày Pháp luật” đã được Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 04 tháng 10 năm 2010, thông qua Công văn số 3535/HĐPH gửi cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương.
              Thực hiện “Ngày Pháp luật” cũng chính là sự cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
              Với ý nghĩa và tầm quan trọng của “Ngày Pháp luật”, ngày 25 tháng 09 năm 2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 6902/BTP-PBGDPL về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rất nhiều hình thức thực hiện như: Tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài, ảnh, các thông điệp ngắn, đối thoại, trả lời phỏng vấn và các hình thức phù hợp khác về “Ngày Pháp luật” trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Năm An toàn giao thông”, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận pháp luật ở cơ sở…
            Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
                 Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện công tác này. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội./.
 
Bài viết cùng chủ đề