MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Quản trị là tổ chức, điều khiển hoạt động của đơn vị, cơ quan. Tổ chức bao gồm việc tập hợp, tuyển dụng, sắp xếp khoa học, phát huy tinh thần hoạt động của đội ngũ và bồi dưỡng, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Điều khiển bao gồm việc tiếp nhận chủ trương, đề ra yêu cầu và kế hoạch thực hiện, triển khai hướng dẫn và xây dựng cơ chế hoạt động, thanh kiểm tra thúc đẩy bộ máy vận hành đồng bộ, đúng hướng theo yêu cầu đã đề ra. Như vậy, quản trị trường học là tổ chức nắm chắc toàn bộ lực lượng cả về nhân lực và tài lực, điều hành lực lượng ấy hoạt động để đạt mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ đề ra của đơn vị.
Quản trị trường học trong giai đoạn hiện nay là tạo động lực cho giáo dục phát triển nhanh, mạnh, phát triển liên tục và luôn phù hợp, hài hoà với sự phát triển của xã hội và thế giới. Quản trị trường học coi trọng sự dân chủ, bình đẳng, cạnh tranh, xã hội hoá với những chính sách thông thoáng giúp cho từng cơ sở giáo dục chủ động, sáng tạo tự xây dựng thương hiệu của mình. Quan trọng hơn cả, quản trị giáo dục phải lấy hiệu quả làm đầu. Hiệu quả là mục tiêu quan trọng số một của quản trị giáo dục trong nhà trường. Để quản trị nhà trường có hiệu quả và hiệu lực, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau như sau:
Thứ nhất, sắp xếp tổ chức bộ máy trong nhà trường hoạt động có hiệu quả. Phải biết kiến tạo tập thể nhà trường thành “Tổ chức biết học hỏi”, điều khiển sao cho mọi người làm việc theo luật, quy chế, sống thân ái với nhau, gắn bó trách nhiệm với nhau. Giảm số lượng cấp phó, tăng phụ cấp trách nhiệm cho hiệu trưởng. Tăng cường công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên trong trường học.
Thứ hai, xây dựng "chuẩn" trong hoạt động của nhà trường. Các chuẩn hiện hành có tác dụng định hướng trong phấn đấu rèn luyện của bản thân hiệu trưởng và giáo viên, trong công tác xây dựng đội ngũ, trong điều hành các hoạt động của nhà trường, chất lượng đầu ra của học sinh. Vì vậy trong công tác quản trị, dựa vào các yêu cầu của chuẩn và điều kiện thực tế của đơn vị, hiệu trưởng cần lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, xác định vị trí của đơn vị, xây dựng lộ trình thực hiện để mang lại hiệu quả hoạt động cao nhất.
Thứ ba, quản trị trường học phải dựa trên cơ sở tổ chức, sử dụng một cách khoa học nhân lực, vật lực và tài lực của nhà trường giúp cho nhà trường phát triển ổn định, bền vững đạt hiệu quả cao nhằm thực hiện được mục tiêu giáo dục đề ra. Vì vậy, giao quyền tự chủ, đảm bảo quyền tự chủ và tính trách nhiệm xã hội cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải là người đứng đầu tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động của nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý bằng kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện trách nhiệm người hiệu trưởng và sản phẩm đầu ra (theo chuẩn).
Thứ tư, phân quyền trong quản lý hoạt động của nhà trường - Chia sẻ quyền lực. Hiệu trưởng không nên nắm mọi quyền hành trong tay mà cần chia sẻ quyền lực để viên chức trong nhà trường tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến nhà trường, tham gia điều hành các hoạt động trong nhà trường. Theo thời gian, hiệu trưởng sẽ giảm dần vai trò hướng dẫn và mang lại cơ hội cho các thành viên khác phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực của mình. Như vậy, đổi mới quản lý giáo dục không chỉ đổi mới cách làm của người quản lý mà còn đổi mới từ giáo viên bộ môn đến tổ trưởng chuyên môn. Sự phân cấp rất cần được thể hiện trong nhà trường, đặc biệt là nâng cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn, làm sao cho tổ trưởng chuyên môn cũng thực hiện công tác quản lý tổ với đầy đủ các chức năng quản lý.
Thứ năm, dân chủ hóa các hoạt động trong nhà trường, mọi cá nhân đều có trách nhiệm chung và góp ý xây dựng nhà trường. Các chế độ, chính sách của giáo viên được công khai và giải quyết đúng quy định.
Thứ sáu, thực hiện quy chế công khai, minh bạch. Một nội dung quan trọng là cần thực hiện nghiêm túc quy chế công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công khai minh bạch tài chính, đội ngũ nhà giáo, chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất. Nhà trường thực hiện với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, phải thu hút được sự quan tâm, niềm tin và sự đồng thuận của xã hội mà trước hết là cha mẹ học sinh. Có như vậy mới nhận được sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần từ phía xã hội.
Thứ bảy, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, điều hành trong đơn vị như các quy chế hoạt động, quy chế thi đua - khen thưởng, quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử, quy chế phối hợp...
Thứ tám, thay đổi công tác thi đua - khen thưởng và đánh giá phân loại công chức viên chức, người lao động. Nhà trường cần đổi mới công tác thi đua, đảm bảo tính khoa học, công bằng, công khai từ khâu xây dựng các tiêu chí, triển khai thực hiện đến việc kiểm tra đánh giá. Kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Gắn liền việc khen và thưởng một cách hợp lý và xứng đáng, sao cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc đánh giá phân loại viên chức và người lao động phải căn cứ theo chuẩn và hiệu quả công việc được giao. Chuẩn đánh giá được cụ thể hóa trong từng đơn vị gắn với trách nhiệm công việc được giao.
Thứ chín, hiệu trưởng nhà trường phải hiểu biết về công nghệ thông tin từ đó có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị nhà trường. Việc ứng dụng phải đồng bộ từ hành chính đến quản lý viên chức và học sinh toàn trường.
Thứ mười, đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá trong nhà trường. Phương pháp và hình thức dạy học. Dạy học phải lấy học sinh làm trung tâm. Nhà trường cần có nhiều hình thức bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn. Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực.
Cuối cùng, tăng cường công tác kiểm soát giáo dục trong nhà trường. Kiểm soát hoạt động quản lý hành chính giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm tối đa cho các cơ sở giáo dục. Kiểm soát hoạt động dạy và học, cần phối hợp hài hoà việc dạy học của giáo viên và việc học tập của học sinh. Cần xác định đúng vị trí của giáo viên giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động dạy học, còn học sinh là chủ thể của việc học tập. Trên cơ sở này mà định ra các yêu cầu chuẩn mực cũng như chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp với người dạy và người học, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong cả dạy và học giúp cho giáo dục có chất lượng ngày một cao và đáp ứng được yêu cầu xã hội cũng như nhu cầu người học.
Tóm lại, các giải pháp nâng cao năng lực quản trị trong nhà trường đều có mối liên quan hữu cơ, luôn gắn kết và tác động thúc đẩy nhau để phát triển. Do vậy, người hiệu trưởng cần phải triển khai thực hiện đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nhà trường. Đổi mới công tác quản trị là khâu đột phá quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Muốn thực hiện đổi mới quản lý thì người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động đổi mới, có quyết tâm cao, phải luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi; đặc biệt là phải tư duy để lựa chọn và thực hiện đồng bộ các giải pháp thật sự phù hợp với nhà trường mà mình quản lý, làm sao khơi dậy cho tất cả thành viên trong nhà trường sát cánh cùng với hiệu trưởng thực hiện việc đổi mới quản lý trong nhà trường. Mong mỏi lớn của giáo viên đối với người hiệu trưởng là việc đổi mới quản lý phải làm cho thu nhập của họ tăng lên, giúp họ ổn định đời sống, giảm áp lực công việc và phát triển năng lực giảng dạy của họ, cho nên người hiệu trưởng phải biết tiết kiệm trong sử dụng nguồn thu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, cần giảm bớt hội họp và các thủ tục rườm rà, cải tiến chế độ thông tin trong nhà trường để kịp thời nghe các ý kiến phản hồi của giáo viên./.
Người biên tập và thực hiện: Nguyễn Quang Hạnh
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Khái niệm và bản chất của quản trị - TS. Hà Văn Hội (Nguồn: Quantri.vn biên tập và hệ thống hóa).
2. Mô hình nào cho trường phổ thông VN trong tương lai? - Hiếu Nguyễn (Nguồn: www.bentre.edu.vn/index.php?)
3. Tiếp cận quản lý hiện đại vận dụng vào quản lý nhà trường - PGS. TS. Đặng Quốc Bảo-Học viện QLGD (Nguồn: khoagiaoduc.vinhuni.edu.vn › Đào tạo)
4. Hội thảo khoa học quốc gia về "Quản lý các cơ sở giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT", ĐH Vinh, 2014.
4. Quản lý nhà trường trước yêu cầu đổi mới của giáo dục - TS. Huỳnh Công Minh (Nguồn: www.giaoduc.edu.vn › Nhịp sống học đường › Nhịp cầu sư phạm).
5. Đổi mới quản lý giáo dục việt nam trong nền kinh tế thị trường - ThS. Đoàn Mạnh Cương (Nguồn: Trang Web bộ văn hóa thể thao và du lịch - Vụ Đào tạo)
6. Đổi mới quản lý trong nhà trường bằng chia sẻ quyền lực - Hải Bình (Nguồn: baomoi.com/doi-moi-quan-ly-trong-nha-truong-bang-chia-se-quyen-luc/c/16234238.epi)
7. Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Th.S Lê Văn Dư, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Bình Định
(Nguồn: cdgdbinhdinh.edu.vn/tintuc/301/15/40.jsp)