Sử - Địa - GDCD
00:08 NGÀY 17/08/2015
TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT
Dưới đây là một số tình huống pháp luật chúng tôi đã sưu tầm được trong mấy năm gần đây. Quý thầy cô bộ môn GDCD có thể sử dụng để minh họa khi giảng dạy pháp luật lớp 12. Ngoài ra, các em học sinh lớp 12 cũng có thể sử dụng các tình huống này để củng cố kiến thức pháp luật của mình.

1/-Nguyễn Văn Ân sinh 1990 cư ngụ tại xã H, huyện Giồng Riềng – Kiên Giang, trình độ học vấn hết lớp 7, sống chủ yếu bằng nghề ruộng. Năm 2008, Ân làm quen với Lê Thị Bích sinh năm 1992, đang học nghề may cùng ngụ chung xã. Từ đó, Ân thường xuyên đến nhà Bích chơi và nhiều lần biểu lộ tình yêu của mình đối với Bích, nhưng đều bị Bích từ chối. Tức giận vì bị bạn gái xem thường và từ chối tình yêu, Ân nảy sinh ý định giết chết Bích rồi tự sát.

Khoảng 16 giờ ngày 30/07/2009, Ân mang theo con dao Thái Lan ra đứng ở đầu dốc cầu đường liên xã chờ Bích đi học may về. Khoảng 16 giờ 30, ông Dương (cha của Bích) chạy xe gắn máy chỡ Bích ngồi sau đi qua dốc cầu để về nhà, Ân kêu ông Dương dừng xe lại để nói chuyện với Bích, ông Dương không dừng xe mà tiếp tục cho xe chạy chậm xuống dốc cầu. Ân chạy theo lấy dao ra đâm vào lưng Bích 3 nhát và dùng tay nắm cổ áo Bích kéo té xuống lề đường rồi tiếp tục đâm nhiều nhát vào tay, chân của Bích. Ông Dương cùng một số người ở gần đó chạy đến khống chế Ân lấy con dao, bắt giải đến công an xã H và đưa Bích đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Giồng Riềng.

Tại biên bản giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận Bích bị suy giảm sức khỏe do thương tích gây ra là 41%.

Ngày 20/09/2010, tòa Hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa lưu động tại xã H,  huyện Giồng Riềng xét xử sơ thẩm vụ án trên, tuyên phạt Nguyễn Văn Ân 12 năm tù về tội danh “Giết người” (theo điểm n khoản 1 điều 93; điểm p khoản 1 điều 46; khoản 3 điều 52 Bộ luật Hình sự) và buộc Ân bồi thường thiệt hại cho Lê Thị Bích số tiền là 32.000.000đ (theo điểm a, b khoản 1, khoản 2 điều 609 Bộ luật Dân sự).

(Nguồn: dựa theo bản án sơ thẩm số 01/2011/HSST ngày 14/01/2011 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang. Tên các nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

Câu hỏi:

Em có suy nghĩ gì về hành động của Ân nêu trên ? Nếu là một thanh niên chín chắn và có lòng tự trọng, theo em, trong trường hợp bị người mình yêu coi thường và từ chối tình yêu, Ân nên xử sự như thế nào là đúng nhất để tự khẳng định mình ?

2/- Ông Trần Văn Thoại sinh năm 1952, là chủ sở hữu ngôi nhà tọa lạc tại đường Trần Phú, Tp.Rạch Giá – Kiên Giang. Vợ ông là bà Lê Thu Lan sinh năm 1954, bị bệnh mất năm 1991, hiện tại gia đình ông có 3 người gồm ông và hai người con trai, người con lớn tên là Trần Lê Trung sinh năm 1976 làm việc và sinh sống tại Tp.Hồ Chí Minh, người con kế là Trần Lê Thuận sinh năm 1980 đang đi học tại Tp.Hồ Chí Minh.

Năm 2002, ông Thoại lên thành phố sống chung với người con lớn là Trần Lê Trung. Trước khi đi, ông Thoại làm hợp đồng cho ông Nguyễn Hoài An sinh năm 1966, thường trú tại phường Vĩnh Hiệp, Tp.Rạch Giá thuê lại ngôi nhà trong thời hạn 3 năm để mở cửa hàng kinh doanh với giá 2.000.000đ/tháng, đặt cọc trước 3 tháng là 6.000.000đ, hai bên giao ước cứ 2 tháng ông Thoại đến thu tiền nhà một lần. Tất cả các thủ tục về hợp đồng thuê mướn nhà và đặt cọc đều đúng theo quy định của pháp luật và đã được phòng Công chứng xác nhận. Hợp đồng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/07/2002.

Sau gần một năm buôn bán, cửa hàng của ông An ngày càng phát triển, cần mở rộng thêm mới đủ chỗ trưng bày hàng. Để thuận tiện cho việc kinh doanh của mình, hơn nữa thời gian thuê nhà vẫn còn dài (hơn 2 năm nữa), tháng 3/2003, ông An làm thủ tục xin phép và tự bỏ tiền ra thuê thợ đến đập phá phần cửa trước ngôi nhà (gồm cửa lớn ra vào và 2 cửa sổ hai bên), gắn lại cửa kéo bằng sắt để phần ngoài và trong nhà thông với nhau. Khoản tiền này ông An tự chịu, không tính vào hợp đồng, đến khi hết hợp đồng ông An sẽ xây trả lại cấu trúc ban đầu của ngôi nhà cho ông Thoại. Nghĩ như vậy cho nên ông An không báo cho ông Thoại biết việc làm của mình đối với ngôi nhà.

Ngày 26/5/2003, ông Thoại từ Tp.Hồ Chí Minh về Rạch Giá để nhận tiền nhà đợt 5. Khi đến nhà, ông Thoại không còn nhận ra ngôi nhà của mình trước đây nữa. Hai bên phát sinh mâu thuẫn, cự cãi với nhau. Ngày 5/6/2003, ông Thoại làm đơn khởi kiện ông An ra tòa án nhân dân Tp.Rạch Giá.

(Tên các nhân vật và thời gian, địa điểm trong tình huống đã thay đổi)

Câu hỏi:

a/- Tranh chấp giữa ông Thoại và ông An là tranh chấp gì ?

b/- Việc làm của ông An là đúng hay sai ? Tại sao ?

c/- Ông Thoại có quyền khởi kiện ông An không ? Tại sao ?

3/- Trên đường đi học về, khi đến đầu xóm nhà mình, Nguyễn Trương Bảo An, là học sinh đang học lớp 11A5 của Trường THPT…..Tp.Rạch Giá – Kiên Giang, có dừng lại tham gia đá cầu với mấy thanh niên cùng xóm. Chơi được một lúc, An bị một thanh cùng xóm tên Hoài “chơi xấu” làm An bị té, dơ hết quần áo. Hai bên cự cãi và xông vào định đánh nhau nhưng được các thanh niên khác cùng chơi chung can ngăn.

Trước khi bỏ ra về, Hoài đe dọa An:

– Bắt đầu từ ngày mai, tao cấm mày đi học nữa.

An đáp:

– Tao đi đó, mày làm gì tao.

Hoài nói:

– Nếu ngày mai mày đi học, tao bảo đảm với mày là mày có đi mà không có về. Tùy mày hén !

Ngày hôm sau, An mặc đồ, chuẩn bị sẵn sàng để đi học nhưng cứ đi vô đi ra trước cổng nhà. Mãi đến hơn 7 giờ, An vẫn ngồi trên võng trước nhà.

Thấy vậy, mẹ An hỏi :

– Sao hôm nay con không đi học ?

An đáp:

– Lớp con được nghỉ học để cho khối 12 kiểm tra tập trung. Con quên, thay đồ rồi mới nhớ.

Ba ngày liên tiếp, An không đi học và cũng không ra đường, chỉ quanh quẫn trong nhà. Mẹ An cũng không hỏi gì thêm, vì bà nghĩ rằng An được nhà trường cho nghỉ để khối 12 kiểm tra tập trung.

Đến ngày thứ tư, khoảng 9 giờ 40, cô Chủ nhiệm lớp gọi điện đến gặp mẹ của An. Mọi việc mới vỡ lẽ ra. Tra hỏi mãi, An mới nói thật cho mẹ biết chuyện bị Hoài đe dọa, An sợ quá không dám đi học và cũng không dám ra đường.

(Theo lời kể của Phụ huynh học sinh, năm học 2002 – 2003. Tên nhân vật trong tình huống đã thay đổi)

Câu hỏi:

a/- Hành động đe dọa của Hoài có vi phạm pháp luật không ? Tại sao ?

b/- Theo em, mẹ của An nên giải quyết mâu thuẫn giữa An và Hoài như thế nào ?

c/- Qua tình huống trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân ?

4/- Vào khoảng12 giờ khuya ngày 20/01/2011, sau khi nhậu ở quán B xong, bốn thanh niên Nguyễn Thuận An sinh năm 1992, Lê Hoàng Trung sinh năm 1991, Trần Thanh Thuận sinh năm 1992, Hoàng Thái Thảo sinh năm 1993 kéo nhau vào quán C ở khu lấn biển, thuộc phường Vĩnh Bảo, Tp.Rạch Giá nhậu tiếp. Khi đến quán C, An gọi điện rủ Bùi Thanh Hùng sinh năm 1992 và Thuận gọi điện rủ Huỳnh Bá Hải sinh năm 1994 đến cùng nhậu. Sáu người ngồi uống bia, khi mỗi người uống được 2 chai thì An kêu tính tiền rồi rủ cả nhóm về nhà An nhậu tiếp. An chở Trung, Hùng chở Hải chạy trước.

Do xe đậu bên trong bị kẹt nên Thảo dẫn xe ra chở Thuận đi sau. Khi Thảo dẫn xe đi ngang qua bàn của Dũng đang ngồi nhậu với mấy người bạn, Thảo nhìn Dũng thì Dũng chửi thề :“Mẹ ! Tụi mày nhìn cái gì ?”, Thảo im lặng dẫn xe ra trước cửa quán, sau đó quay mặt lại nói với Dũng: “Ông muốn gì ra đây” rồi chạy xe đi.

Trên đường đi, Thuận gọi điện cho An kêu :”Tụi mày quay lại, có mấy thằng kia đòi đánh tao ở quán C nè”, cả bốn người quay lại quán C. Sau khi biết được sự việc, Thảo, Trung, Thuận, Hải xông vô quán cùng đánh Dũng. Trung lấy dao bấm để trong túi quần ra đâm vào lưng, vai của Dũng. Dũng bỏ chạy vào toilet khóa cửa lại, Trung, An, Thảo rượt theo, Trung dùng chân đạp cánh cửa toilet rơi xuống, rồi dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người Dũng. Hào và Thảo sợ Dũng chết nên kéo Trung ra ngoài. Thuận chạy tới cầm vỏ chai bia đập mạnh vào đầu Dũng một cái làm vỡ vỏ chai. Sau đó cả nhóm lên xe ra về.

Dũng được đưa đi bệnh viện đa khoa Kiên Giang cấp cứu, nhưng đến khoảng 4 giờ sáng thì tử vong.

Ngày 22/6/2011, Tòa án nhân tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên, tuyên phạt:

1/-Lê Hoàng Trung phạm tội “Giết người” : Xử phạt 20 năm tù, bồi thường thiệt hại cho gia đình  nạn nhân 67.538.000đ. (Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47; Điều 42 BLHS; Điều 610 BLDS)

2/-Trần Thanh Thuận phạm tội “Giết người”: Xử phạt 8 năm tù, bồi thường thiệt hại 30.000.000đ cho gia đình nạn nhân. (Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47; Điều 42 BLHS; Điều 610 BLDS)

3/-Hoàng Thái Thảo, Nguyễn Thuận An phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”: Xử phạt mỗi người: 18 tháng tù và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân 10.000.000đ. (Áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm p, h khoản 1, 2 Điều 46;điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 42 BLHS; Điều 610 BLDS).

(Nguồn: Dựa theo bản án sơ thẩm số 44/2010/HSST, ngày 22/6/2011 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang. Tên các nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

Câu hỏi:

Qua vụ án nêu trên, em rút ra bài học gì cho bản thân ?

5/- Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Lê Duy cùng học chung lớp 12 B2 Trường THPT…. Tp.Rạch Giá – Kiên Giang. Trong giờ ra chơi, hai bạn đùa giỡn với nhau quá mức dẫn đến xung đột, được các bạn trong lớp can ngăn. Sau đó, lớp vào tiết học tiếp theo. Khi được các bạn khuyên can, Tuấn không còn để ý đến chuyện xung đột với Duy nữa, tập trung nghe giảng và ghi chép bài. Còn Duy thì ngược lại, rất ấm ức trong lòng, phải tìm cách cho Tuấn một bài học mới thôi. Đến giờ ra chơi tiết tiếp theo, Duy đi ra sân trường, đến chỗ vắng lấy điện thoại di động điện báo cho các bạn của Duy là Hoài, Dũng, Hùng và Trung ở ngoài hay tình hình như vậy và nhờ các bạn đến trường để “trợ giúp”.

Hết buổi học, Duy đi nhanh ra ngoài gặp các bạn đang đứng trước cổng trường và yêu cầu các bạn “xử” Tuấn. Khi Tuấn đi ra gần tới cổng trường, Duy chỉ cho các bạn biết mặt Tuấn, sau đó Duy bỏ đi đến quán nước ngồi chờ kết quả.

Khi Tuấn vừa ra khỏi cổng trường thì Hoài, Dũng, Hùng, Trung đến chặn đường, Hoài hỏi Tuấn: “Sao mày dám đánh bạn tao ? Mày ngon lắm phải không ?”, Tuấn bảo: “Bạn các anh là ai, tôi đâu biết ? Tôi có đánh ai đâu !”, Dũng đứng cạnh bên nói “Mày còn nói nữa hả ?” và xông tới đánh vào mặt Tuấn. Liền sau đó, Hoài , Hùng, Trung cũng xông vô cùng đánh cho tới khi Tuấn nằm co dưới đất, máu miệng chảy ra. Sau đó, cả bốn người lên xe chạy mất, Duy cũng lên xe chạy đi luôn.

Kết quả giám định của bệnh viện: Tuấn bị thương ở vùng mặt, bị bể môi chảy máu, các bộ phận khác trong cơ thể không bị thương tổn.

Qua xác minh những người chứng kiến, công an biết được bốn thanh niên đánh Tuấn là ai và mời họ đến trụ sở công an để làm việc.

(Tên các nhân vật trong tình huống đã thay đổi)

Hỏi:

a/- Hành động của bốn thanh niên trên đã cấu thành tội phạm hình sự chưa? Tại sao ?

b/- Duy có bị tội gì không ?

c/- Qua tình huống trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân ?

6. Anh Lưu Văn Thi sinh năm 1965, cư ngụ tại Ấp B, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng – Kiên Giang. Năm 1986, anh Thi kết hôn với chị Đặng Tuyết Hoa sinh năm 1967, ngụ cùng ấp. Năm 1989, vợ chồng anh Thi được cha mẹ cho cất nhà ở riêng và cho ba công đất để làm ruộng. Hai vợ chồng anh đã có một đứa con (cháu Lưu Thị Tuyết Như, sinh năm 1987).

Tháng 4 năm 1993, anh Thi theo mấy người bạn lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm để góp thêm thu nhập cho gia đình. Từ tháng 6/1993 đến tháng 2/1995, bình quân mỗi tháng anh Thi gửi về cho chị Hoa 1 triệu đồng. Nhưng kể từ tháng 3/1995 trở đi, anh Thi không gửi tiền và cũng không liên lạc về nhà nữa.

Nóng lòng, mẹ con chị Hoa lên thành phố tìm đến các nơi anh Thi đã làm thuê trước đây cũng không gặp. Hỏi thăm các bạn cùng đi làm chung với anh, họ bảo anh đã bỏ đi đâu từ mấy tháng nay rồi, không liên lạc được. Mẹ con chị đành trở về quê làm ruộng và chờ đợi.

Hoàn cảnh của mẹ con chị Hoa ngày càng khó khăn, chị phải làm lụng vất vả mà vẫn không đủ sống. Ở cùng xóm, có anh thương binh góa vợ tên là Lê Văn Ngai, trạc tuổi với anh Thi. Thấy mẹ con chị Hoa khổ cực, anh Ngai thường hay giúp đỡ, khi cho gạo, lúc cho tiền mua thức ăn cho cháu Tuyết Như. Tình cảm hai người ngày càng gắn bó, hàng xóm bắt đầu có dị nghị, gia đình bên chồng chị Hoa cũng gièm pha, nghi kỵ.

Nhận thấy hoàn cảnh hiện tại không cho phép hai người kéo dài thêm mối quan hệ như thế này nữa, khoảng đầu tháng 6/2001, anh Ngai ngỏ lời cầu hôn với chị Hoa và chị đã đồng ý.

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

a/- Về mặt pháp lí, theo em, anh Ngai và chi Hoa kết hôn với nhau có phạm luật không ? Tại sao ? Để kết hôn được, anh Ngai và chị Hoa cần phải làm gì ?

b/- Giả sử, hai người đủ điều kiện về mặt pháp lí đã kết hôn với nhau rồi, sau đó một thời gian, anh Thi trở về đòi chung sống với vợ và con như trước đây thì có được không ? Tại sao ?

 7. Trong một tiết trống ( do giáo viên nghỉ dạy), Trần Hoàng Duy, học sinh lớp 12A2 Trường THPT…. Thành phố Rạch Giá – Kiên Giang lấy bộ bài ra và rũ ba bạn chung lớp là Lê Mạnh Hùng, Trần Văn Vĩnh và Lê Thanh Thế cùng chơi.

Lúc đầu, họ chỉ chơi cho vui. Nhưng được ba bàn, họ bắt đầu chơi ăn tiền, mỗi bàn 2.000đ/người. Cuộc chơi càng lúc càng căng thẳng, Thế bị thua liên tục đến hết tiền. Để gỡ, Thế lấy máy tính của mình  mới mua hiệu CASIO fx-570MS bán cho Duy với giá 30.000đ để chơi tiếp và cũng thua hết.

Cuối cuộc chơi, Thế đề nghị với Duy cho mình xin lại chiếc máy tính và hẹn ngày mai sẽ mang tiền đến trả, nhưng Duy không đồng ý. Hai bên cự cãi và đánh nhau làm ảnh hưởng đến các lớp xung quanh. Giám thị đến mời cả 4 học sinh chơi bài và đánh nhau xuống Phòng giám thị để giải quyết.

(Tên nhân vật và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi :

a/- Ngoài việc vi phạm nội quy nhà trường, cả 4 học sinh trên có vi phạm pháp luật không ?  Giải thích ?

b/- Qua tình huống trên, em rút ra được bài học gì ?

 8.Ngày 20/04/2005, anh Huỳnh Văn Tố, sinh năm 1978, cư ngụ tại Ấp Tân Điền, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành – Kiên Giang và vợ là chị Lê Thu Nhung, sinh năm 1980, ngụ cùng ấp được Tòa án nhân dân huyện Châu Thành – Kiên Giang xử cho ly hôn. Tháng 5/2006, anh Tố kết hôn lần 2 với chị Huỳnh Kim Thủy, sinh năm 1982, cư ngụ tại xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp – Kiên Giang (có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật), còn chị Nhung vẫn sống độc thân. Hơn một năm sau, anh Tố và chị Thủy đã có với nhau một đứa con. Trong một lần cãi nhau, chị Thủy cùng đứa con bỏ về nhà mẹ ruột của mình, còn anh Tố thì trở về sống chung với chị Nhung như trước.

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

a/- Quan hệ giữa anh Tố và chị Nhung có vi phạm pháp luật không ?

b/- Chị Thủy có quyền khởi kiện anh Tố và chị Nhung không ? Tại sao ?

c/- Theo em, tình huống trên cần phải giải quyết như thế nào ?

 9.Anh Trần Văn Phương sinh năm 1965, cư ngụ tại xã A, huyện B, tỉnh Kiên Giang, bị Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định xử phạt hành chính 3 triệu đồng với lý do “ xây dựng lấn chiếm vào phần đất của người khác” và yêu cầu anh Phương phải “tháo dỡ ngay phần xây dựng lấn chiếm” trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt này.

Khi xem kỹ lại hồ sơ và bản vẽ khu đất, anh Phương nhận thấy phần đất đang xây dựng thuộc chủ quyền của anh, không hề lấn chiếm vào đất của ai cả, kể cả không gian bên trên. Như vậy, Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND huyện B là không đúng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh.

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

Anh Phương cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ? Anh có cần phải “tháo dỡ ngay phần xây dựng lấn chiếm” như trong Quyết định đã ghi không ? Tại sao ?

 10.Chị Nguyễn Thị Hoàng là Kế toán trưởng của Công ty du lịch A, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Kiên Giang.

Vừa qua, chị bị Giám đốc Công ty ký Quyết định kỷ luật với hình thức “Cách chức Kế toán trưởng, chuyển sang làm nhân viên tại Phòng Tiếp tân” của Công ty.

Lý do bị kỷ luật là : “Trong 3 tháng liên tục, chị Hoàng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có 9 ngày đi làm trễ và 2 ngày nghỉ đi làm không xin phép.”

Vì cho rằng Giám đốc Công ty có thành kiến và muốn trù dập mình nên chị Hoàng đã làm đơn tố cáo và trực tiếp gửi đến UBND tỉnh Kiên Giang. Người cán bộ Văn phòng UBND tỉnh không nhận đơn và nói đơn tố cáo của chị là không đúng pháp luật. Chị Hoàng rất hoang mang, không biết nên làm như thế nào cho đúng.

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

Theo em, chị Hoàng nên khiếu nại hay tố cáo Giám đốc Công ty ? Tại sao ? Trình tự, thủ tục nên tiến hành như thế nào là đúng pháp luật ?

 11.Chiều ngày 14/2/2008, tại góc đường Nguyễn An Ninh – Phạm Hùng, khu lấn biển thành phố Rạch Giá, Lê Văn Bảy sinh năm 1992, cư ngụ tại đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Vĩnh Thanh, Tp.Rạch Giá và Nguyễn Văn Tâm sinh năm 1991, cư ngụ tại đường Nguyễn An Ninh, phường Vĩnh Lạc, Tp.Rach Giá, có va chạm với Nguyễn Long Quân sinh năm 1990, cư ngụ tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Quang, Tp.Rạch Giá. Sau một hồi cự cãi với nhau, Bảy và Tâm đã xông vào đánh Quân. Quân bỏ chạy nhưng Bảy và Tâm vẫn đuổi theo đánh. Ngay lúc đó, Quân nhặt được một khúc cây dài khoảng 70 cm và đánh trả lại, Bảy bỏ chạy trước còn Tâm chạy chậm hơn nên bị tụt lại phía sau. Quân đuổi theo kịp và dùng cây đánh vào người Tâm làm cho Tâm bị thương tích nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Qua kết luận giám định của bệnh viện, tỷ lệ thương tật của Tâm là 34%.

Ý kiến nào sau đây là đúng ? Giải thích vì sao ?

a/- Hành vi của Quân là phòng vệ chính đáng.

b/- Hành vi của Quân đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nên Quân phải chịu trách nhiệm hình sự.

c/- Hành vi của Quân là hành vi phạm tội thông thường. 

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 12.Ông Nguyễn Hữu Trường sinh năm 1957 là chủ vườn cây ăn trái ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành – Kiên Giang. Năm 1998, ông có cho vợ chồng anh Trần Văn Tám sinh năm 1966 ngụ cùng xóm, vay một số tiền là 20 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng để mở sạp mua bán trái cây tại chợ Rạch Sỏi, Tp.Rạch Giá – Kiên Giang. Do điều kiện làm ăn không thuận lợi, vợ chồng anh Tám bị lỗ hết vốn và không có khả năng chi trả. Thấy vậy, ông Trường buộc anh Tám phải làm công cho ông để trừ nợ theo các điều kiện như sau:

- Mỗi ngày, anh Tám phải đến để cùng với những người làm công khác chăm sóc vườn cây cho ông Trường.

- Mỗi tháng, ông Trường tính cho anh Tám tiền công là 800.000đ. Số tiền này, anh Tám không được lãnh mà để trừ dần vào số nợ đã thiếu ông Trường. Bù lại, ông Trường sẽ không tính lãi vay cho vợ chồng anh Tám nữa.

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

Ông Trường làm như vậy có đúng không ? Anh Tám phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ?

 13.Em Trần Thị Liễu là một học sinh giỏi của trường THPT …. Thành phố Rạch Giá – Kiên Giang. Em rất năng nổ, tích cực trong các phong trào của trường, của lớp và cũng rất thẳng thắn trong sinh hoạt lớp. Năm học 2000 – 2001, em được tập thể lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng lớp 12A7.

Trong lớp, có em Nguyễn Thị Hoàng Ân học rất yếu, nhưng hay nói chuyện và làm việc riêng trong giờ học. Liễu đã nhiều lần góp ý, nhắc nhở và Cô chủ nhiệm cũng đã cho làm kiểm điểm nhưng Ân vẫn thói nào tật ấy, không chịu sửa đổi, làm cho lớp thường xuyên bị giáo viên bộ môn xếp giờ học loại B.

Hôm sinh hoạt lớp, sau khi xem sổ đầu bài, Cô chủ nhiệm hỏi lớp trưởng lý do vì sao lớp bị nhiều giờ B, Liễu đứng lên trình bày rõ lý do. Nghe xong, cô chủ nhiệm rất giận, kêu Ân đứng lên và đưa cho Ân một thư mời phụ huynh sáng thứ hai đến trường để trao đổi.

Cũng chính vì lý do này mà Ân oán giận Liễu và tìm cách làm mất uy tín của Liễu đối với lớp. Ân bịa ra những chuyện xấu về Liễu và tìm cách nói cho các bạn trong lớp nghe. Cứ thế, hôm nay Ân bịa ra nói xấu Liễu chuyện này, ngày mai bịa ra nói xấu Liễu chuyện khác. Dần dần các bạn trong lớp không còn tin tưởng Liễu như trước nữa. Những người bạn thường chơi chung với Liễu cũng xa lánh Liễu.

Liễu rất buồn nhưng không biết làm cách nào để đính chính với các bạn trong lớp.

(Tên nhân vật và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

a/- Việc làm của Ân như trên có vi phạm gì không ? Tại sao ?

b/- Theo em, Liễu nên làm gì để khôi phục lại uy tín của mình đối với lớp ?

 14. Nguyễn Văn Tín, sinh năm 1981 cư ngụ tại Ấp S xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng – Kiên Giang và Trương Thị Thoa sinh năm 1982, cư ngụ tại Ấp B xã Hòa An, huyện Giồng Riềng – Kiên Giang cùng làm chung tại cơ sở tôm đông lạnh ở Rạch Sỏi – Kiên Giang. Hai người rất yêu thương nhau và dự định kết hôn với nhau. Tín về thưa chuyện với cha mẹ mình để cậy người mai mối hỏi cưới Thoa.

Chiều ý con, cha mẹ của Tín cùng với người mai mối đến gặp cha mẹ Thoa để đặt vấn đề cưới hỏi. Nhưng bị cha mẹ Thoa từ chối với lý do là đã hứa gã Thoa cho người khác rồi, không thể thất hứa được. Thật ra thì cha mẹ Thoa chê gia đình Tín nghèo, Tín thì không có nghề nghiệp ổn định, nếu gã Thoa về đó thì Thoa sẽ nghèo khổ suốt đời.

Khi biết được cha mẹ Thoa có suy nghĩ như vậy, cha của Tín rất tự ái, tuyên bố với mọi người trong gia đình là từ nay trở đi, không ai được nói đến chuyện cưới Thoa cho Tín nữa.

Cả Tín và Thoa đã nhiều lần cố gắng thuyết phục gia đình mình nhưng đều không có kết quả. Cuối cùng, Tín và Thoa đã đi đến quyết định là tự đi đăng ký kết hôn và tự tổ chức đám cưới cho mình, không cần ý kiến của cha mẹ hai bên nữa. Nếu việc tự đăng ký kết hôn không được chính quyền chấp nhận, thì họ sẽ dắt nhau đi đến một nơi nào đó để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình.

(Tên nhân vật và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

a/- Em có ý kiến gì về suy nghĩ của cha mẹ Thoa ?

b/- Theo em, Tín và Thoa có nên đi đến quyết định như trong tình huống đã nêu không? Chính quyền có chấp nhận cho Tín và Thoa tự đi đăng ký kết hôn mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ hai bên ?

 15. Vợ chồng anh Trần Văn Trung cư ngụ tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc – Kiên Giang, có hai đứa con ruột là Trần Văn Công, Trần Thị Hoa và một con nuôi hợp pháp là Trần Văn Hăng.

Bên anh Trung còn đủ cha mẹ, còn bên vợ của anh thì chỉ còn mẹ.

Vợ chồng anh đã tạo dựng được tài sản chung là một khu vườn diện tích 7.650 m2 và một căn nhà gồm một tầng trệt, hai tầng lầu.

Ngày 25/4/2007, vợ chồng anh đi trên chiếc xe gắn máy do anh điều khiển từ An Thới về Dương Đông bị tai nạn giao thông, cả hai đều qua đời. Cuối năm đó, giữa các con của vợ chồng anh đã xảy ra tranh chấp tài sản. Hoa và Công thì đòi chia đôi số tài sản và chỉ cho Hăng 200 triệu đồng để sinh sống vì Hăng là con nuôi, không được hưởng ngang bằng với con đẻ. Còn Hăng thì đòi chia đều tài sản cho ba người, vì mặc dù là con nuôi nhưng Hăng đã sống với gia đình từ nhỏ, đã được pháp luật thừa nhận. Hơn nữa, Hăng đã có nhiều đóng góp vào tài sản chung của gia đình.

(Tên nhân vật, thời gian và một số chi tiết trong tình huống đã được thay đổi)

 Câu hỏi:

a/- Cách giải quyết của Công, Hoa, Hăng nêu trên có đúng không ? Tại sao ?

b/- Tài sản của gia đình anh Trung được chia thừa kế như thế nào ? Ai có quyền phân chia ?

Bài viết cùng chủ đề