Sử - Địa - GDCD
00:08 NGÀY 17/08/2015
PHÁP LUẬT VIỆT NAM - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Để giúp quý thầy cô dạy môn GDCD lớp 12 có thêm tài liệu để tham khảo về pháp luật, về lịch sử lập pháp Việt Nam, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu dưới đây.

* Pháp luật là gì ?

- Khi xuất hiện, con người phải hợp thành cộng đồng để chung sống. Từ đó, phát sinh quan hệ giữa người với người.

- Cộng đồng người lúc đầu tập hợp với nhau theo huyết thống, gọi là Thị tộc. Đứng đầu Thị tộcHội đồng thị tộc gồm có Tù trưởngThủ lĩnh quân sự.

Nhiều Thị tộc trong cùng một khu vực tập hợp với nhau thành một cộng đồng lớn hơn, gọi là Bộ lạc. Đứng đầu Bộ lạc vẫn là chức danh Tù trưởng Thủ lĩnh quân sự, nhưng lúc này có thêm một số thành viên khác chuyên trách những công việc nhất định trong Bộ lạc.

Đến cuối thời kỳ công xã thị tộc, các Bộ lạc lân cận nhau hợp lại thành Liên minh các Bộ lạc, mở rộng hơn là một cộng đồng người, cư trú trên một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm nhiều Bộ lạc liên kết với nhau, gọi là Bộ tộc. Ở thời kỳ này, bộ máy cai trị đã có sự phân chia ra nhiều bộ phận chuyên trách những lĩnh vực nhất định, trong cộng đồng đã có sự phân chia giai cấp và bộ máy cai trị cũng bắt đầu tách dần ra khỏi cộng đồng, trở thành một bộ phận riêng biệt có nhiệm vụ điều hành, quản lý hoạt động của cộng đồng, làm dịu bớt những xung đột và giữ cho sự xung đột đó trong vòng trật tự. Bộ máy đó gọi là Nhà nước.

- Để quản lý được cộng đồng người rộng lớn và để cho hoạt động trong cộng đồng có trật tự, nề nếp, Nhà nước chọn lọc, tiếp nhận những quy tắc xử sự đã có từ trước trong các Bộ lạc, đồng thời quy định thêm những quy tắc mới phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng, bắt buộc tất cả các thành viên trong cộng đồng phải tuân theo, không được làm trái, đó là Pháp luật.

Như vậy, pháp luật ra đời cùng với sự ra đời của Nhà nước, là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội.

- Pháp luật được hình thành qua hai giai đoạn : Pháp luật tục lệ và pháp luật thành văn.

+ Pháp luật tục lệ xuất hiện từ thời Thị tộc , bộ lạc, tồn tại dưới dạng các tập tục, tục lệ.

+ Pháp luật thành văn ra đời khi xã hội tiến bộ hơn, chữ viết xuất hiện. Để quản lý xã hội, Nhà nước chọn lọc các quy tắc cư xử đã có, đặt ra các quy tắc mới và ghi lại thành văn bản, phổ biến trong toàn xã hội, gọi là pháp luật thành văn.

- Vậy, pháp luật là gì ?

Thuật ngữ pháp luật :

+ Tiếng Latinh : Directum : Ngay thẳng, đúng.

+ Tiếng Pháp : Droit : Ngay thẳng, pháp luật nói chung (gốc từ tiếng La tinh nói trên)

+ Tiếng Anh : Law : quy tắc, phép tắc ; pháp luật, luật lệ.

+ Tiếng Hán : Pháp luật là một Hán tự kép, gồm 2 chữ PhápLuật.

                        Pháp : gồm bộ thủy (nước) và chữ khứ (đi, bỏ đi, đuổi đi)

                                    => Phép trị nước, cai trị dân.

                        Luật : Là một dụng cụ thời cổ đại dùng để thẩm âm, điều chỉnh âm thanh.

                                   => Phép tắc.

=> Pháp luật là các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung được Nhà nước thừa nhận và quy định, đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của Nhà nước.

 Quá trình lập pháp Việt Nam

 - Ngay từ đầu Công nguyên, nước ta đã có luật lệ riêng. Nhưng có lẽ tồn tại dưới dạng Luật tục lệ (Droit coutumier), chứ không phải luật thành văn.

Năm 41 sau Công nguyên, vua Quan Vũ nhà Đông Hán sai Mã Viện đem binh sang đất Giao Chỉ (tên cổ của Việt Nam) đánh Trưng Nữ Vương. Sau đó, Mã Viện tâu lên vua Hán “luật của người Việt so với luật Hán khác hơn rất nhiều“ và xin xóa bỏ luật Việt, áp dụng luật Hán. Mã Viện thực hiện triệt để chính sách đồng hóa nước ta, trong đó có pháp luật.

Nói chung, thời kỳ nước ta bị Trung Quốc đô hộ, các bộ luật có ảnh hưởng nhiều nhất ở nước ta là Luật Hình của nhà Tùy (589 - 617), nhà Đường (618 - 709). Còn trước đó, là luật của nhà Hán.

 - Thời độc lập tự chủ : Các triều đại Phong kiến Việt Nam đều đặt ra những biện pháp hình sự để cai trị, nhưng phần nhiều chịu ảnh hưởng của pháp luật Trung Quốc (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (938) trị vì được 26 năm (939 - 965) nhưng phải đối phó với loạn Thập nhị sứ quân kéo dài hơn 20 năm.

Kế tiếp là nhà Đinh lập nghiệp bởi Đinh Tiên Hoàng, trị vì được 12 năm (968 - 980), phải đối phó với sự lăm le của nhà Tống, đối phó với các Sứ quân trong nước.

Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lập nên nhà Tiền Lê trị vì được 19 năm (980 - 1009), vừa đánh Tống, vừa đánh Chiêm Thành, vừa sửa sang trong nước.

=> Trong các triều đại trên chưa có những cải cách về luật pháp, chỉ sử dụng chủ yếu là luật của nhà Đường.

* Nhà Lý  (1010 - 1225), tồn tại 215 năm, 9 đời vua, có 1 đời vua nữ (Lý Chiêu Hoàng).

Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) bắt tay vào việc sửa sang đất nước, đặt ra các phép tắc cai trị rõ ràng. Ông là người có công cải cách nền công pháp nước nhà.

Đời vua thứ 2, Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) 1028 - 1054. Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1042), vua Thái Tông ban bố bộ Hình thư quy định lại phép tắc cai trị. Bộ luật gồm 3 quyển, chịu ảnh hưởng của luật nhà Đường.

=> Bộ Hình thư được coi là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta.

 * Nhà Trần  (1225 - 1400), trị vì 175 năm, có 13 triều vua.

Tháng 12 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), nhà Trần bắt đầu từ đó. Tiếp theo 13 triều vua, là đến đời Hậu Trần (1407 - 1413).

- Nhà Trần có 5 Bộ luật quan trọng :

+ Quốc triều thường lễ (1230), gồm 10 quyển  :             Trần Thái Tông.

+ Quốc triều thông chế (1230), gồm 20 quyển  :                   - nt -

+ Năm công văn cách thức (1290), 1 quyển  :               Trần Dụ Tông

+ Hình luật thư  (1241), 1 quyển   :                                      - nt -          

+ Hoàng triều đại điển (1241), gồm 10 quyển  :                    - nt –

 * Nhà Lê  (1428 - 1788), trị vì 360 năm, gồm 27 đời vua.

Nhà Lê đã để lại một công trình pháp luật đồ sộ. Hiên nay vẫn còn lưu lại các bộ luật sau :

+ Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật), gồm 6 quyển, 13 chương, 722 điều, do vua Lê Thánh Tông ban hành năm 1483. Do đó, bộ luật này, được dân gian gọi là Luật Hồng Đức (niên hiệu của Lê Thánh Tông). Đây là bộ luật tổng hợp nhiều ngành luật : Hình sự, Dân sự, Hành chính, Hôn nhân & Gia đình, Quân sự, . . .

+ Luật thư  (6 quyển), do Nguyễn Trãi biên soạn (1440 - 1442).

+ Quốc triều luật lệnh (6 quyển), do Phan Phu Tiên biên soạn (1440 - 1442).

+ Quốc triều thư khế thể thức (1468 - 1471)

+ Lê triều quan chế (1471)

+ Thiên Nam dự hạ tập (1483), gồm 100 quyển.

+ Hồng Đức thiện chính thư (1470 - 1497)

+ Sĩ hoạn châm quy (1470 - 1497)

+ Quốc triều chiếu lệnh thiện chính (1619 - 1705)

+ Quốc triều điều luật

+ Cảnh Hưng điều luật (1740 - 1729)

+ Quốc triều khám tụng điều lệ (1705 - 1729)

 * Giai đoạn Nam - Bắc triều   (1527 - 1600 )

 - NamTriều : Từ Thanh Hóa trở vào, con cháu nhà Lê cùng với Chúa Trịnh. Lúc đầu, áp dụng Luật nhà Lê. Về sau, quyền hành thuộc về tay họ Trịnh.

- Bắc Triều : Từ Sơn Nam trở ra, thuộc nhà Mạc, trì vì 65 năm (1527-1592), luật nhà Lê không sử dụng.

Đây là thời kỳ suy vong của Luật pháp triều Lê lần thứ 1.

 * Giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh  (1600 - 1788)

 Đây là thời kỳ suy vong lần thứ 2 của luật pháp Triều Lê.

- Đàng trong : Chúa Nguyễn tự đặt ra luật lệ.

- Đàng ngoài: Chúa Trịnh đặt ra phép tắc, vua Lê chỉ là hư danh.

 * Nhà Nguyễn  (1802 - 1945), trị vì 143 năm, gồm 13 triều vua.

Vua đầu tiên Nguyễn Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh), hiệu là Gia Long. Vua cuối cùng Nguyễn Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy) 1925 - 1945.

Năm 1811, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thành trông coi việc làm luật.

Bộ Hoàng Việt luật lệ (Còn gọi là Luật Gia Long) được ban hành năm 1812 do Nguyễn Văn Thành biên soạn trên cơ sở của bộ Đại Thanh luật lệ của nhà Thanh. Đây là một công trình sao chép luật của nhà Thanh từ hình thức đến nội dung.

Bộ luật gồm 22 quyển, 398 điều. Về sau, được các vua Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị sửa chữa, bổ sung. Bộ luật này được áp dụng đến khi có các bộ Dân luật do Pháp ban hành tại 3 phần của nước VN.

 * Thời Pháp thuộc  (1862 - 1954)

- 1862 : 3 tỉnh miển Đông Nam kỳ mất.    - 1867 : 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ mất. Miền Nam trở thành thuộc địa của Pháp.   - 1884 : Hòa ước Patenôtre được ký kết, Bắc và Trung phần thuộc bảo hộ của Pháp.

=> Như vậy, đến năm 1884, Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm lược nước ta.

 - Ở Nam phần : Pháp ban hành bộ Dân luật giản yếu (26/3/1883). Về nội dung, dựa hoàn toàn vào Bộ Dân luật Pháp (1804), 11 thiên, quyển 1.

- Ở Bắc phần : Pháp ban hành bộ Dân luật Bắc, có hiệu lực từ 1/7/1931. Bộ luật được soạn thảo từ 1917 đến 1930 mới xong. Bộ luật gồm 1.455 điều, 1 thiên sơ bộ và 4 quyển. Bộ luật mô phỏng và mượn nhiều quy tắc của bộ Dân luật Pháp.

- Ở Trung phần : Bộ Dân luật Trung còn có tên là Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật, gồm 109 điều, 5 quyển, được ban hành rãi rác từ năm 1936 đến 1938. Nội dung dựa theo Dân luật Bắc Dân luật Pháp.

Hiệu lực của hệ thống luật pháp này được bãi bỏ ở miền Bắc sau 1954, ở miền Nam sau 1975.

 * Giai đoạn sau cách mạng tháng Tám 1945 :

 1/- Từ 1945 đến 1954 :

Ở các vùng kháng chiến, áp dụng theo các Nghị quyết và sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng. Tồn tại dưới dạng bất thành văn.

Ở các vùng thuộc Pháp, vẫn áp dụng hệ thống luật trước đây.

 2/- Từ 1954 đến 1975 :

- Miền Bắc : Đã có Hiến pháp 1946, 1959 và nhiều Nghị định, Sắc luật, Sắc lệnh, Pháp lệnh được ban hành trên tất cả các lĩnh vực.

- Miền Nam : Các bộ Dân luật Trung, Dân luật giản yếu đã có từ thời Pháp cùng với Bộ Luật Gia đình (1964) có hiệu lực đến ngày 20/12/1972.

Sắc luật điền thổ 1925 ( Pháp), Dụ số 4 năm 1953 về nhà phố ( Pháp) cùng với các luật lệ khác được chính quyền Sài Gòn sử dụng đến ngày 30/4/1975.

Năm 1972, chính quyền Sài Gòn ban hành Bô Dân luật mới, gồm 1.500 điều, chia làm 1 thiên mở đầu và 5 quyển.

Đầu thập niên 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, tại các vùng cách mạng kiểm soát, luật bất thành văn của chính quyền cách mạng được áp dụng để xét xử các hành vi vi phạm.

 * Sau 1975 :

 Nghị quyết 76/CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ được ban hành để thống nhất việc áp dụng luật lệ trong toàn quốc. Trước mắt, áp dụng luật lệ đã có của miền Bắc cho đến khi có những bộ luật mới chung cho cả nước.

 Tài liệu tham khảo:

1/- Pháp luật và Dân luật đại cương (LS. Triệu Quốc Mạnh, NXB Tp.HCM – 2000)

2/- Lịch sử Luật Hình sự Việt Nam (TS. Trần Quang Tiệp, NXB Chính trị Quốc gia – 2003)

3/- Một số vấn đề về Pháp luật dân sự Việt Nam từ thế kỷ XV đến thời pháp thuộc (Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, NXB Chính trị Quốc gia – 2008)

4/- Thế thứ các triều vua Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục – 1993)

5/- Các triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Văn hóa – Thông tin 2009)

Bài viết cùng chủ đề